Parkinson là một bệnh lý thoái hóa thần kinh mạn tính, hiện chưa có cách chữa trị dứt điểm. Một số biện pháp có thể giúp phòng ngừa bệnh Parkinson hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh hiệu quả.
Bệnh Parkinson gây ra các triệu chứng như run, cứng cơ, chậm vận động và rối loạn thăng bằng. Bệnh đang ảnh hưởng đến hàng chục triệu người trên thế giới. Mặc dù hiện nay y học vẫn chưa có cách điều trị khỏi bệnh hoàn toàn nhưng mỗi người có thể phòng ngừa bệnh Parkinson hiệu quả bằng các biện pháp khác nhau.
Nguyên nhân gây bệnh Parkinson
Đến thời điểm hiện tại, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nguyên nhân gây bệnh Parkinson có thể xuất phát từ những tế bào thần kinh hạch nền bị suy yếu và/hoặc mất đi. Khi đó, chúng sẽ ít sản xuất dopamine hơn, làm giảm kích thích lên vỏ não và dẫn đến bệnh Parkinson. Thông thường, người bệnh Parkinson gặp khó khăn trong vận động cũng là do sự suy giảm của các tế bào thần kinh này. Tuy nhiên, vẫn chưa có kết luận chính xác về nguyên nhân làm các tế bào thần kinh hạch nền bị suy yếu hoặc mất đi.
Một số yếu tố nguy cơ có thể liên quan đến nguyên nhân gây bệnh Parkinson bao gồm: (1)
- Yếu tố di truyền: Nghiên cứu cho thấy các biến thể gen có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson. Các biến thể gen cụ thể này có thể được di truyền qua nhiều thế hệ trong gia đình, đặc biệt là với những trường hợp bệnh Parkinson xuất hiện ở độ tuổi trẻ.
- Yếu tố môi trường: Tiếp xúc với một số loại hóa chất và chất độc hại có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh Parkinson.
- Yếu tố tuổi tác: Bệnh Parkinson thường phát triển ở những người từ độ tuổi trên 60. Càng lớn tuổi thì nguy cơ mắc bệnh càng cao.
- Yếu tố lối sống: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người vận động nhiều (như tập thể dục đều đặn) có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn. Hơn nữa, những người có lối sống khoa học, ít dùng rượu bia và chất kích thích, bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng cũng có nguy cơ bị Parkinson thấp.
- Chấn thương não: Những người đã từng trải qua chấn thương não có nguy cơ mắc bệnh Parkinson cao hơn.
Cách phòng ngừa bệnh Parkinson hiệu quả
Một số biện pháp có thể giúp ngăn ngừa hoặc kìm hãm sự phát triển của bệnh Parkinson. Theo đó, để phòng ngừa bệnh Parkinson hiệu quả, mỗi người cần lưu ý: (2)
1. Khám sức khỏe định kỳ
Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ mắc bệnh Parkinson, chẳng hạn như yếu tố di truyền, môi trường tiếp xúc, chấn thương não… Bác sĩ sẽ dựa vào những yếu tố này cũng như tình trạng sức khỏe não bộ hiện tại của người đi khám để có thể tư vấn các phương pháp phòng ngừa bệnh phù hợp.
Mỗi người cần chủ động chú ý đến bất kỳ thay đổi nào về sức khỏe và thông báo ngay cho bác sĩ nếu cảm thấy có dấu hiệu bất thường, ví dụ như hay quên hơn trong một vài tuần gần đây.
2. Chăm sóc sức khỏe trí não
Chăm sóc sức khỏe trí não giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson và các bệnh thoái hóa thần kinh khác. Dưới đây là một số cách chăm sóc sức khỏe trí não bạn có thể tham khảo: (3)
- Ngủ đủ giấc: Ngủ đủ giấc giúp não bộ nghỉ ngơi và phục hồi. Thói quen ngủ đủ giấc là cách đơn giản nhưng hiệu quả để chăm sóc sức khỏe trí não và hỗ trợ phòng ngừa bệnh Parkinson.
- Tránh căng thẳng: Căng thẳng có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa thần kinh và mắc các bệnh lý thần kinh trong đó có bệnh Parkinson. Mỗi người nên sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi cân bằng, cố gắng thư giãn, giữ cho tinh thần thoải mái.
- Thực hiện các bài tập kích thích trí não: Chơi cờ vua, nhắm mắt khi tắm, sử dụng nhiều giác quan cùng lúc, giải ô chữ, ghép hình, dựng mô hình… là những “bài tập thể dục cho não”. Tham gia các hoạt động này góp phần kích thích trí não và giúp não bộ hoạt động tốt hơn, hỗ trợ phòng ngừa bệnh Parkinson cũng như các bệnh thoái hóa thần kinh khác.
3. Chăm sóc sức khỏe thể chất
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng tập thể dục nhịp điệu thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson. Ngoài việc tập thể dục nhịp điệu, bạn cũng nên duy trì vận động, tập thể dục thể thao thường xuyên khoảng 45 – 60 phút mỗi ngày.
Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường lưu thông máu đến não, hỗ trợ não bộ hoạt động tốt hơn. Không chỉ vậy, tập thể dục còn làm tăng sức đề kháng cho cơ thể, hạn chế nguy cơ mắc nhiều bệnh lý khác, duy trì sức khỏe tổng thể tốt. Mỗi người có thể lựa chọn các bài tập thể dục mà mình yêu thích như bơi lội, đánh cầu lông, chạy bộ, đạp xe… (4)
4. Hạn chế tiếp xúc với môi trường độc hại
Một số chất độc hại có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson. Vì thế, để bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh, tốt hơn hết nên hạn chế tối đa việc tiếp xúc với môi trường có chứa các chất độc hại.
Nếu phải làm việc hoặc thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, chất hóa học độc hại, mỗi người nên sử dụng các biện pháp bảo vệ như đeo khẩu trang, dùng mặt nạ chống độc, che chắn cẩn thận để tránh hít phải chất độc hay tiếp xúc với chất độc.
5. Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Chế độ dinh dưỡng hợp lý cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho não bộ, bảo vệ tế bào thần kinh khỏi bị tổn thương, chậm thoái hóa.
Dưới đây là một số thực phẩm và đồ uống tốt cho não bộ mà bạn có thể thêm vào chế độ ăn của mình hằng ngày nhằm hỗ trợ phòng ngừa bệnh Parkinson: (5)
- Trái cây và rau quả: Trái cây và rau quả là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa dồi dào, có thể giúp bảo vệ tế bào thần kinh khỏi bị tổn thương.
- Cá béo: Các loại cá béo ví dụ như cá hồi, cá ngừ và cá thu… là nguồn cung cấp acid béo omega-3 dồi dào. Acid béo omega-3 có thể giúp làm giảm viêm và bảo vệ tế bào thần kinh.
- Các loại quả hạch và hạt: Các loại quả hạch như hạnh nhân, hạt óc chó, hạt điều, hạt mắc ca… là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất béo tốt. Việc thường xuyên bổ sung các loại quả hạch và hạt cũng giúp mỗi người phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh Parkinson.
- Caffeine: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng những người tiêu thụ caffeine – có trong cà phê, trà và cola – ít mắc bệnh Parkinson hơn những người không uống. Trà xanh cũng có liên quan đến việc giảm nguy cơ phát triển bệnh Parkinson do thành phần của trà xanh chứa nhiều chất chống oxy hóa tốt cho não bộ. Tuy nhiên, các nghiên cứu vẫn chưa chỉ ra chính xác liệu caffeine có giúp phòng ngừa bệnh Parkinson hay có liên quan đến việc làm giảm nguy cơ mắc bệnh theo một cách nào khác không. Hiện tại không có đủ bằng chứng cho thấy dùng đồ uống chứa caffeine giúp chống lại bệnh Parkinson.
Phải làm gì khi có biểu hiện của bệnh Parkinson?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh Parkinson, bạn nên đi khám bác sĩ ngay lập tức. Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Điều trị bệnh Parkinson thường tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Một số phương pháp điều trị bệnh Parkinson có thể được áp dụng bao gồm sử dụng thuốc, liệu pháp vật lý trị liệu, liệu pháp tâm lý… Dưới đây là một số biểu hiện của bệnh Parkinson mà bạn cần lưu ý:
- Run: Run là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh Parkinson. Run thường xảy ra ở một bên cơ thể, ví dụ như tay hoặc chân. Run có thể xảy ra khi nghỉ ngơi hoặc vận động.
- Cứng cơ: Cơ bắp cứng và khó di chuyển là một triệu chứng phổ biến khác của bệnh Parkinson. Cơ bắp cứng có thể khiến bạn khó thực hiện các chuyển động, ví dụ như đi bộ hoặc cầm bút viết, gõ bàn phím.
- Chậm vận động: Người bệnh Parkinson thường di chuyển chậm hơn so với người bình thường. Họ cũng có thể khó bắt đầu hoặc thay đổi hướng di chuyển.
- Rối loạn thăng bằng: Người bệnh Parkinson có thể gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng, đặc biệt là khi đứng lên từ tư thế ngồi hoặc quay đầu.
- Thay đổi giọng nói: Giọng nói của người bệnh Parkinson có thể trở nên nhỏ, khàn hoặc không rõ ràng.
- Rối loạn giấc ngủ: Người bệnh Parkinson thường gặp khó khăn trong việc ngủ, ví dụ như ngủ không ngon giấc, khó ngủ hoặc ngủ nhiều vào ban ngày.
- Các vấn đề về nhận thức: Người bệnh Parkinson có thể gặp các vấn đề về nhận thức, ví dụ như khó tập trung, khó suy nghĩ hoặc khó nhớ.
Mỗi người nên thăm khám sức khỏe định kỳ để bác sĩ có thể sớm phát hiện các bất thường ở não bộ, nhận biết yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson, từ đó đề ra phương pháp phòng ngừa phù hợp. Bạn có thể đặt lịch thăm khám với các chuyên gia giàu kinh nghiệm, giỏi chuyên môn tại Trung tâm Khoa học Thần kinh, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh về căn bệnh này.
Mong rằng bài viết đã góp phần mang đến cho bạn những thông tin hữu ích về cách phòng ngừa bệnh Parkinson.
Để đặt lịch thăm khám, tư vấn các vấn đề về sức khỏe tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Bệnh Parkinson là một căn bệnh phức tạp, có thể do nhiều yếu tố gây ra, bao gồm yếu tố di truyền, môi trường và lối sống. Áp dụng các biện pháp phòng ngừa bệnh Parkinson có thể phần nào giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
This was shown first on: https://tamanhhospital.vn/phong-ngua-benh-parkinson/